Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về diện tích #tre nứa, với 194 loài tre trúc thuộc 26 chi được các nhà khoa học phát hiện ở Việt Nam đã phần nào đánh giá được tính đa dạng về thành phần loài tre trúc ở nước ta. Tuy nhiên, mới chỉ có 80 loài đã tạm thời được định danh, còn lại là các loài chưa có tên.
Trong nhiều năm trở lại đây, rất nhiều chi, loài mới được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và bổ sung vào danh mục tre nứa của nước nhà. Công trình đầu tiên nghiên cứu về tre nứa ở Việt Nam là Camus and Camus (1923) đã thống kê có 73 loài tre trúc của Việt Nam.
Năm 1978 Vũ Văn Dũng công bố Việt Nam có khoảng 50 loài. Năm 1999 Phạm Hoàng Hộ đã thống kê được 123 loài, số lượng các loài tre trúc của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Không dừng lại ở đó vào giai đoạn 2001-2003, Nguyễn Tử Ưởng, Lê Viết Lâm (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cùng với GS. Xia Nianhe, chuyên gia phân loại tre (chiBambusa) của Viện thực vật học Quảng Châu, Trung Quốc đã xác định ở Việt Nam có 113 loài của 22 chi, kiểm tra và cập nhật 11 tên khoa học mới, đặc biệt đưa ra được 6 chi và 22 loài tre lần đầu đầu được định tên khoa học ở Việt Nam bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam; đưa ra 22 loài cần được xem xét để xác nhận loài mới.
Trong 2 năm 2004 – 2005, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa cùng hai chuyên gia phân loại tre Trung Quốc là GS. Li Dezhu, Phó Viện trưởng Viện thực vật học Côn Minh, Vân Nam (chuyên gia chi Dendrocalamus) và GS. Xia Nianhe (chuyên gia chi Bambusa) tiếp tục cộng tác nghiên cứu với các nhà nghiên cứu tre trúc ở nước ta tiếp tục nghiên cứu định danh các loài tre nứa hiện có của Việt Nam ban đầu đã đưa ra danh sách gồm 194 loài của 26 chi tre trúc Việt Nam. Phần lớn trong số đó là chưa có tên.
Một số chi có nhiều loài là chi Tre gai (Bambusa) có 55 loài thì có tới 31 loài chưa có tên, chi Luồng (Dendrocalamus) có 21 loài với 5 loài chưa định tên, chi Le (Gigantochloa) có 16 loài với 14 loài chưa có tên, chi Vầu đắng (Indosasa) có 11 loài với 8 loài chưa có tên và chi Nứa (Schizostachyum) có 14 loài thì có tới 11 loài chưa có tên.
Luồng Dendrocalamus barbatus Ảnh: Phạm Thành Trang
Bên cạnh đó, các nhà khoa học Việt Nam đã tìm ra được nhiều chi, loài mới cho nước nhà. Năm 2005, Nguyễn Hoàng Nghĩa và cộng sự đã công bố 7 loài nứa mới thuộc chi Nứa (Schizostachyum) như: Khốp Cà Ná (Cà Ná, Ninh Thuận), Nứa Núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nứa đèo Lò Xo (Đắc Glei, Kon Tum), Nứa lá to Saloong (Ngọc Hồi, Kon Tum), Nứa không tai Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), Nứa có tai Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), Nứa Bảo Lộc (Bảo Lộc, Lâm Đồng – mô tả để so sánh). Các tác giả đã mô tả chi tiết về đặc điểm hình thái, sinh thái của từng loài cụ thể.
Đồng thời nhóm nghiên cứu phát hiện ra 6 loài tre quả thịt dựa trên cơ sở cấu tạo hình thái và giải phẫu hoa quả, sáu loài tre quả thịt đã được mô tả và định danh để tạo nên một chi tre mới cho Việt Nam, đó là chi Tre quả thịt (Melocalamus). Các loài đã được nhận biết là Dẹ Yên Bái (Melocalamus yenbaiensis), Tre quả thịt Cúc Phương (M. cucphuongensis), Tre quả thịt Kon Hà Nừng (M. kbangensis), Tre quả thịt Lộc Bắc (M. blaoensis), Tre quả thịt Pà Cò (M. pacoensis) và Tre quả thịt Trường Sơn (M. truongsonensis).
Cũng trong đợt khảo sát này, Nguyễn Hoàng Nghĩa và nhóm nghiên cứu đã phát hiện thêm một loài nứa mới cho Việt Nam có tên là Nứa Sapa (Schizostachyum chinense Rendle) được tìm thấy trong rừng lá rộng thường xanh của Vườn Quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai), tác giả đã mô tả về đặc điểm hình thái, sinh học của loài.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng tre nứa ở Việt Nam còn nhiều điều bí ẩn ngay đằng sau các con số. Rất có thể những bí ẩn này sẽ được giải đáp vào một tương lai không xa. Và chắc chắn rằng sẽ còn có nhiều loài tiếp tục được định tên, nhiều loài được phát hiện đóng góp thêm vào sự phong phú về tre nứa sẵn có của Việt Nam. Chúng ta có quyền hy vọng rằng, một hoặc nhiều loài trong số đó sẽ là những loài mới được bổ sung cho khoa học Việt Nam và thế giới
Sản xuất bàn ghế tre tại tphcm, ván tre ép tại tphcm
Tre vàng sọc Bambusa vulgaris Ảnh: Phạm Thành Trang
Phạm Thành Trang - Khoa Quản lý TNR&MT - Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Viết Lâm (2005), Nghiên cứu phân loại họ phụ Tre (Bambusoideae) ở Việt Nam, Tài liệu hội nghị 2. KHCN Lâm nghiệp, 20 năm đổi mới (1986-2005) - Phần lâm sinh, tr. 312-321.
3. Nguyễn Hoàng Nghĩa (2005), Tre trúc Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.